Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Trong xã hội hiện đại, tranh chấp đất đai là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sự phát triển của cộng đồng. Việc thiếu rõ ràng trong quản lý và sử dụng đất đai thường dẫn đến xung đột giữa các bên liên quan. Để giải quyết hiệu quả những tranh chấp này, quy trình thủ tục phải được thiết lập và thực hiện một cách minh bạch, công bằng, đồng thời phải đáp ứng được các yếu tố pháp lý và xã hội, nhằm bảo đảm sự ổn định và bền vững cho cộng đồng.

Thế nào là đất đang tranh chấp ?

Tại khoản 24 điều 3 Luật đất đai có nêu định nghĩa về tranh chấp đất đai như sau “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”

Đối với định nghĩa tại Điều trên thì tranh chấp đất đai có phạm vi rất rộng. Cụ thể rằng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đất đai.

Trường hợp với phạm vi rộng như vậy sẽ rất khó trong việc áp dụng pháp luật, nhất là khi khởi kiện tranh chấp đất đai.

Theo đó, cần xác định tranh chấp đất đai với phạm vi hẹp hơn. Cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định cụ thể rằng:

– Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

– Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

Xác định loại tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là việc tranh chấp để xác định ai là người có quyền sử dụng đất. Việc xác định tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai rất quan trọng bởi trình tự thủ tục giải quyết của hai loại tranh chấp này rất khác nhau.

Tranh chấp đất đai sẽ chia ra làm hai trường hợp chính như sau:

Trường hợp 1: Tranh chấp đất đai (loại 1) thì sẽ do Luật Đất đai điều chỉnh, cụ thể:

– Thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Đất đai (buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn); Nếu không hòa giải mà khởi kiện tại Tòa án thì Tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện.

– Trường hợp đất tranh chấp mà có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ khác với việc không có giấy tờ.

Trường hợp 2: Tranh chấp liên quan đến đất đai (loại 2) thì chủ yếu do Bộ luật Dân sự quy định nên thủ tục giải quyết khác (không giải quyết theo thủ tục của Luật Đất đai). Các bên có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án mà không phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã.

Tiến hành hòa giải khi tranh chấp đất đai

– Trường hợp 1: Các bên tự hòa giải

Theo khoản 1 Điều 200 Luật đất đai năm 2013 khi các bên xảy ra tranh chấp thì: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích các bên hòa giải thông qua 02 hình thức

Hình thức 1: Tự hòa giải;

Hình thức 2: Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Theo Luật Hòa giải ở cơ sở thì tranh chấp đất đai được hòa giải ở cơ sở do Hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp.

Trường hợp 2: Hòa giải tại UBND xã

Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã không tự hòa giải mà phải có đơn yêu cầu của một trong các bên tranh chấp.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh

-Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

– Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:

+) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

+) Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;

+) Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

+) Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

– Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết. Đơn vị được phân công giải quyết tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đoàn công tác để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương; hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

– Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai gồm:

+) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

+) Biên bản làm việc với các bên tranh chấp, với các tổ chức, cá nhân có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;

+) Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp, hồ sơ, tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai tại địa phương;

+) Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

– Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành được gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT THÁI DƯƠNG

Chi tiết xin liên hệ:

Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0866.222.823
Liên hệ